Điểm Du Lịch Lý Thú Khi Đến Yên Bái

Suối Giàng

Suối Giàng là xã thuộc huyện Văn Chấn, có tổng diện tích tự nhiên 5.922 ha, có 4 nhóm dân tộc cư ngụ là người H’Mông, Tày, Kinh, Dao, trong đó người tộc H’Mông chiếm 98,5% dân số xã, còn lại các tộc khác chiếm gần 2%.

Suối Giàng tọa lạc ở độ cao 1.371m so với mực nước biển, khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình mùa hè thấp hơn những nơi khác trong huyện Văn Chấn từ 8-9°C. Suối Giàng giữ được nét hoang sơ, nét bình dị, tính vô tư thật thà, mến khách của người dân địa phương. Trải nghiệm thú vị khi được uống chén rượu ngô, ăn bát mèn mén, nghe điệu khèn tỏ tình, đi chơi chợ vùng cao,…để cảm nhận hết cái đẹp nơi địa đầu tổ quốc.

Ở Suối Giàng có hàng nghìn gốc chè Shan Tuyết cổ thụ có tuổi đời từ 100 năm-300 năm, trong đó có cây chè trên 300 năm được xếp là một trong 6 cây chè thủy tổ của thế giới mà vùng đất này may mắn còn lưu giữ. Chè có thân cây to lớn, xù xì, cành chè uốn lượn. Nhờ khí hậu quanh năm mát mẻ, mây mù giăng phủ nên chè có búp to, phủ lớp lông trắng mịn như nhung. Chè Shan Tuyết thu hoạch được ba đợt trong năm, hình ảnh 5-6 cô gái H’Mông trèo lên cây đứng hái chè mà hai tay thoăn thoắt, chiếc váy xèo giống như đóa hoa mọc trên cây chè to lớn là hình ảnh lạ lẫm đối với du khách lần đầu tiên đặt chân đến đây.

Sau khi chè được thu hoạch và chế biến qua nhiều công đoạn thủ công thì mới ra chè thành phẩm. Trong tiết thu se lạnh ngồi bên bếp lửa thưởng thức ly chè Shan Tuyết vàng óng, mùi thơm thanh nhã, vị chè mới uống thì đắng lúc sau cảm thấy ngọt ngọt trong cuống họng. Để có ấm chè Shan ngon người dân miền sơn cước dùng ấm đất nung già lửa, lấy nước suối thanh khiết ở khe núi về đun sôi. Sau khi cho nước sôi tráng qua chè rồi chế nước sôi đầy ấm cho bọt trào ra ngoài, đậy nắp ấm chờ 10 phút. Nước chè được rót ra các chén cùng một lúc để các chén có vị, màu như nhau.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải

Những thừa ruộng bậc thang Mù Cang Chải nằm trên sườn phía Tây Nam dãy Hoàng Liên Sơn, trải dài bất tận trên diện tích hàng nghìn hecta thuộc huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ruộng bậc thang nơi đây được xếp vào top những ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới. Đứng trên cao nhìn cánh đồng Mù Cang Chải nhuộm thắm sắc vàng, nắng nhè nhẹ, gió se lạnh, bầu trời xanh ngắt, mây bay hờ hững thật không biết phải dùng từ gì để diễn tả cảm giác lúc ấy.

Mù Cang Chải có độ dốc cao nên các thửa ruộng bậc thang có chiều ngang hẹp, độ chênh lệnh giữa thửa ruộng trên và dưới từ 1-1,5m, mặt bằng ruộng phải phẳng, mực nước ngâm chân lúa phải đều để lấy nước vào thì mỗi bậc thang mới cân bằng. Do đó, người H’Mông lúc san ruộng họ dùng cuốc bướm cào thành bờ đất, dùng gáy cuốc đập mạnh để nén chặc bờ, không cho nước rò rỉ và tạo nên đường vân mềm mại cho thửa ruộng. Bà con H’Mông lấy cây nứa bổ đôi làm máng dẫn nước để đưa nước từ khe suối trong rừng về tưới tiêu cho ruộng. Mỗi thửa ruộng đều khoét một lỗ ở phía dưới bờ ruộng, nước cứ thế chảy từ ruộng cao xuống ruộng thấp, khi nào lấy đủ nước thì bịt lỗ lại.

Vào khoảng tháng 9 (dương lịch), huyện Mù Cang Chải có tổ chức “Tuần Văn hóa – Du lịch Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải ”, bà con nhiều bản làng, nhiều tộc người cùng nhau xuống núi trẩy hội, gặp gỡ giao lưu, trai gái tìm bạn đời, thiếu nữ nào cũng áo váy rực rỡ, vòng bạc rung reng, nụ cười luôn nở trên môi. Du khách dưới xuôi, khách nước ngoài cũng tìm về đây để chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang óng ánh sắc vàng, tham gia chuỗi sự kiện lễ hội như: triển lãm ảnh ruộng bậc thang Mù Cang Chải, hội thi chọi dê, Festival dù lượn, thi đẩy gậy, tung còn, trình diễn se lanh và dệt vải của người H’Mông, trải nghiệm gặt lúa-tốt lúa-sảy lúa cùng bà con dân tộc, thổi khèn Mông, …