Nam Định-Tập Trung Các Giải Pháp Nâng Cao Năng Lực Cạnh Tranh Cấp Tỉnh

Theo Bảng tổng hợp chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 thì tỉnh Nam Định đứng thứ 30 trong 63 tỉnh thành. Mặc dù Nam Định vẫn nằm trong top khá nhưng tụt hạng 13 bậc so với năm 2015, vấn đề này làm giảm lòng tin nhà đầu tư khi đến địa phương tìm hiểu môi trường đầu tư .

Nhiều chỉ tiêu giảm

Từ báo cáo năm 2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tỉnh Nam Định có 4 chỉ số thành phần giảm, 5 chỉ số thành phần tăng, chỉ số tính minh bạch giữ nguyên.

Cụ thể 4 chỉ số giảm : Thiết chế pháp lý 3,86 (năm 2015: 6,0); đào tạo lao động 5,93 (năm 2015: 6,23); chi phí thời gian 6,16 (năm 2015: 6,47 ); tiếp cận đất đai 5,75 (năm 2015: 6,32) .

Năm chỉ số thành phần 2016 tăng là: cạnh tranh bình đẳng 5,13 (năm 2015: 4,62); hỗ trợ doanh nghiệp 5,91 (năm 2015: 5,86); tính năng động 5.01 (năm 2015: 4,82); chi phí không chính thức 5,48 (năm 2015: 4,95 ); gia nhập thị trường 8,58 (năm 2015: 8,53 ).

Chỉ số minh bạch năm 2016 là 6,06 vẫn giữ nguyên so với năm trước.

Trong 10 chỉ số thành phần PCI thì có 111 chỉ tiêu cơ sở mà riêng tỉnh Nam Định: 23 chỉ tiêu chiếm 20,7 % đứng cuối bảng xếp hạng; 54 chỉ tiêu chiếm 48,7 % thuộc nhóm giữa bảng xếp hạng từ 21-50; 34 chỉ tiêu chiếm 30,6 % đứng nhóm 20 tỉnh thành dẫn đầu.

Theo kết quả khảo sát VCCI, nguyên nhân chính dẫn đến các chỉ số thành phần của tỉnh nhà giảm là do những mặt yếu kém từ năm trước chưa được khắc phục triệt để mà còn có phần nghiêm trọng hơn, làm giảm lòng tin, sự hài lòng của doanh nghiệp trên địa bàn. Có thể dẫn ra một số vấn đề hạn chế như: Chỉ số thiết chế pháp lý (có 12 tiêu chí cơ sở) là hơn 100 doanh nghiệp doanh nghiệp ngoài quốc doanh gửi đơn lên tòa án cấp tỉnh giải quyết tranh chấp pháp lý; chỉ có 22% doanh nghiệp ghi nhận hệ thống tư pháp có thể hỗ trợ doanh nghiệp tố cáo quan chức tham nhũng; …

Thêm đó, chỉ số đào tạo lao động (gồm 11 tiêu chí cơ sở) có 9 tiêu chí giảm thứ hạng : tỉ lệ người lao động được đào tạo nghề giảm, chi phí dành cho công tác tuyển dụng tăng cao, doanh nghiệp mong muốn sử dụng dịch vụ việc làm của Trung tâm dịch vụ việc làm Nam Định giảm còn 47 % (năm 2015: 56 %), chất lượng đào tạo nghề giảm.

Ở chỉ số tiếp cận đất đai (có 8 tiêu chí cơ sở) thì chỉ có 2 chỉ tiêu là doanh nghiệp có mặt bằng kinh doanh được cải thiện và sự thay đổi khung giá đất phù hợp với sự thay đổi của thị trường .

Ngoài ra, chỉ số chi phí thời gian để doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính cũng chưa được cải thiện đáng kể: VCCI thăm dò có 37% doanh nghiệp đánh giá cán bộ nhà nước không thân thiện khi giải quyết thủ tục hành chính, 35 % doanh nghiệp ghi nhận thủ tục giấy tờ đơn giản, số giờ kiểm tra/thanh tra còn chiếm nhiều thời gian (2 cuộc thanh tra mất 8 giờ/năm).

Cần nỗ lực vượt bậc

Tháng 6-2017 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định tổ chức “Hội nghị phân tích, đánh giá các chỉ số PCI năm 2016, bàn thảo giải pháp để nâng cao PCI tỉnh Nam Định trong năm 2017 và những năm sau đó”. Theo kết quả nghiên cứu của Sở kế hoạch và đầu tư trình lên hội nghị hai phương án được xây dựng, cụ thể:

Phương án thứ nhất, mục tiêu từ năm 2017-2019 chỉ số PCI phải đạt 59,27; 59,61; 59,93 (nằm trong nhóm khá). Năm 2020 đạt tổng điểm 60,16 (thuộc nhóm tốt).

Phương án thứ hai, mục tiêu từ 2017-2018 chỉ số PCI đạt tổng điểm lần lượt 59,43; 59,89 (thuộc nhóm khá). Năm tiếp theo 2019, 2020 có tổng điểm phải đạt lần lượt 60,32 và 60,64 (thuộc nhóm tốt).

Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định năm 2017 mục tiêu chỉ số PCI đạt tổng điểm 59,52 ; năm 2018 tổng điểm đạt phải trên 60 điểm.

Để triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu nâng cao chỉ số PCI theo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh thì Sở kế hoạch đầu tư, Sở tài nguyên và môi trường, Sở công thương, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định, Sở thông tin và truyền thông,Thanh tra tỉnh, Văn phòng tỉnh ủy chủ động phối hợp, rà soát tất cả những yếu kém từ cơ chế chính sách, tác phong cán bộ, năng lực chuyên môn để làm sao giải quyết nhanh chóng, chính xác những bức xúc của doanh nghiệp trên địa bàn.

Sở kế hoạch và đầu tư tổ chức hội nghị lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh đối thoại, giải đáp thắc mắc cho cộng đồng doanh nghiệp Nam Định. Mời chuyên gia cao cấp VCCI về tư vấn cho tỉnh và yêu cầu các sở ban ngành phải cử cán bộ có chuyên môn đến dự hội nghị.

Sở thông tin và truyền thông tăng cường tuyên truyền chủ trương đầu tư, văn bản qui phạm pháp luật, chính sách, ưu đãi,… cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thanh tra tỉnh, rà soát, kiểm tra xem các đơn vị thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện có thực hiện đúng chỉ thị của Thủ tướng là 1 năm chỉ được thanh tra doanh nghiệp 1 lần hay không. Nếu có cá nhân, tập thể nào vi phạm phải xử lý nghiêm, tránh tạo tiền lệ xấu giảm sút lòng tin, gây hoang mang cho doanh nghiệp.

Nâng cao chỉ số PCI đồng nghĩa với việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà. Do đó cần huy động sức mạnh của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của từng cán bộ công chức để hoàn thành nhiệm vụ trên.