Những món ngon phải thưởng thức khi đến Hà Giang

Thắng Cố

Hình ảnh nồi thắng cố sôi sùng sục, đàn ông, đàn bà ngồi quây quần thưởng thức bát thắng cố nghi ngút khói, nhâm nhi chén rượu ngô là hình ảnh thường thấy ở phiên chợ vùng cao. Theo các cụ già bản Mông kể lại, thắng cố là đọc lệch từ “Thảng cố”, có nghĩa là canh xương. Cách đây mấy trăm năm tộc người Mông (Trung Quốc gọi là Miêu) tham gia phong trào “Thái Bình Thiên Quốc” chống lại nhà Thanh bị thất bại, người Mông bị truy cùng diệt tận đến mức phải dắt díu cả gia tộc chạy nạn sang Đại Việt. Trên đường đi lương đã cạn, người đói, ngựa mệt, họ đành giết thịt đàn ngựa chiến, lột da ngựa làm cái chảo lớn, lấy thịt ngựa làm thực phẩm. Từ đó món thắng cố trở thành món ăn quen thuộc của người Mông vào dịp lễ hội, phiên chợ vùng cao.
Cách chế biến món này cũng không khó lắm, bò, dê, ngựa sau khi giết mổ người ta lấy phần thịt nạc đi bán, còn phần lòng, thịt vụn, tiết đông, xương, gân, đem cắt miếng vừa ăn, tẩm ướp gia vị. Sau đó bắc chảo nước đun sôi, cho phần thịt đã ướp sẵn vào chảo, thêm gừng, xả, hạt dổi, thảo quả, ớt, tiêu,… Tiếp tục đun chảo,vớt váng bọt bỏ đi, nêm nếm vừa ăn là có thể dùng được rồi. Ăn bát thắng cố có mùi thơm của gia vị, vị béo ngậy của thịt, nhấp chén rượu ngô giữa tiết trời se lạnh thật là tuyệt. Đàn ông Mông đi chợ phiên trước khi mua bán đều ghé vào quán ăn bát thắng cố, uống chén rượu với bạn, kể chuyện tâm tình lâu ngày xa cách với. Người dân ở đây tin rằng ai có nhiều bạn thì được mời nhiều rượu thì người đó có phúc. Đó là nét văn hóa không lẫn vào đâu được của người Hà Giang.

Bánh tam giác mạch

Cánh đồng nhuộm sắc hồng hoa tam giác mạch là cảnh đẹp thường thấy khi bạn đến thăm miền sơn cước Hà Giang, hạt cây tam giác mạch có màu nâu sẫm dùng làm lương thực, trong hạt chứa nhiều sắt, kẽm, inositol,…Món ngon được làm từ hạt tam giác mạch là bánh tam giác mạch, món ăn truyền thống đồng bào Mông vùng cao. Sau khi thu hoạch hạt được phơi nắng một tuần, rồi đem hạt cho vào cối đá xay bằng tay, xay đi xay lại nhiều lần cho bột thật mịn để khi làm bánh không bị hạt sạn. Tiếp đến, hòa bộ với nước lã thành hỗn hợp bột dẻo rồi cho vào khuôn đúc thành từng chiếc bánh tròn to như hai bàn tay người lớn. Lấy bánh ra khỏi khuôn, bánh đem nướng hoặc hấp chín là có thể ăn được. Người dân bản Mông thường ăn bánh tam giác mạnh với thắng cố; bánh có màu tim tím, bánh ăn có vị béo, hăng, bùi, mềm, ngọt thanh. Bánh tam giác mạch là món ăn kết tinh từ đất-nước-khí trời của miền cao nguyên đá Hà Giang.

Bánh cuốn trứng

Bánh cuốn trứng Hà Giang là món đặc sản miền sơn cước, bánh được làm từ bột gạo, trứng gà, thịt nạc xoay nhuyễn, nấm mèo, giò chả. Gạo đem ngâm nước rồi đem xay nhuyễn, bắc nồi nước sôi, căng tấm vải trắng mỏng lên miệng nồi, chờ khi nồi nước sôi, lấy vá múc bột tráng đều lên mặt vải, đập trứng gà tráng lên bánh, cho thịt nạt, nấm mèo băm nhỏ lên mặt bánh. Đậy vung lại, chờ khoảng một phút, bánh chín, dùng que nhỏ khều bánh gấp nhỏ lại. Nước dùng bánh cuốn trứng được ninh xương từ xương heo, bỏ thêm giò chả, rau mùi, hành phi nêm nếp vừa ăn. Thưởng thức bánh cuốn trứng Hà Giang, chấm miếng bánh nóng hổi vào chém nước mắm, cho vào mồm cảm nhận được vị béo ngậy của lòng trứng gà, vị xốp xốp, dai dai của vỏ bánh, húp thìa nước dùng thấy vị ngọt từ xương, mùi thơm của tiêu, rau mùi,… Chà! Đi chơi cả ngày vừa lạnh vừa đói, ghé vào quán bánh cuốn trứng trên thị trấn Đồng Văn thưởng thức món này thật sướng.
Nếu có dịp lên Hà Giang trải nghiệm bạn hãy đến cao nguyên Đá Đồng Văn, bản Mông, dinh thự vua Mèo, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, chợ tình Khâu Vai,…Để ngắm hoa tam giác mạch, ruộng bậc thang, hoa ban nở và thưởng thức thắng cố, bánh tam giác mạch, bánh cuốn trứng Hà Giang, thịt trâu gác bếp, xôi ngũ sắc, rêu nướng… nhé.