Lào Cai-Có Nhiều Bước Tiến Mới Trong Lĩnh Vực Nông Nghiệp

Ngành nông nghiệp Lào Cai phấn đấu không ngừng sau khi tái lập tỉnh năm 1991, cho đến nay nông nghiệp tỉnh cơ bản bảo đảm an ninh lương thực và đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân.

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở tài nguyên môi trường, Sở khoa học công nghệ, Sở công thương, Hội nông dân tỉnh phối hợp, tham mưu đưa ra đề xuất nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ quỹ đất, tìm kiếm đầu ra sản phẩm, hỗ trợ con giống, giống cây trồng, phân bón,… Hình thành mô hình chuyên canh trên cánh đồng mẫu lớn để tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng chất lượng, giải quyết lao động thời vụ địa phương. Đồng thời, xây dựng liên kết nhà nước-nhà doanh nghiệp-nhà khoa học-nhà nông tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện cho nông nghiệp tỉnh nhà.

Giai đoạn 2011-2015, giá trị sản xuất nông nghiệp Lào Cai tăng trung bình từ 9-10%; năm 2015 tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động bất lợi nhưng nông nghiệp tỉnh vẫn tăng 6%/năm. Từ năm 1991-1992 cơ cấu nội ngành có chuyển biến tốt, cụ thể tỷ trọng chăn nuôi toàn tỉnh tăng từ 19,2% lên 40,9%; ngành trồng trọt tỷ trọng giảm từ 80,8% xuống 59,1%(2015). Bình quân lương thực đầu người năm 1991 là 200kg/người/năm tăng lên 460kg/người/năm trong năm 2016, góp phần đảm bảo an ninh lương thực.

Lào Cai áp dụng thành công mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay đã xây dựng vùng chuyên canh cây trồng chất lượng cao: 4.182 ha lúa giống cải tiến SRI, 641ha cây ăn quả nhiệt đới, 73 ha cây dược liệu, 282 ha cây ăn quả nhiệt đới, 650ha chè, 1.135 ha chuối cấy mô, 175ha rau an toàn, 880ha dứa cao sản,…Giá trị sản xuất trên 1ha đất tăng từ 6 triệu vnd (1991) lên 56 triệu vnd (2016). Đáng chú ý, giá trị canh tác có áp dụng công nghệ cao đạt 209 triệu vnd/ha (2016).

Các cơ quan khoa học của tỉnh đã nghiên cứu và lai tạo thành công giống lúa lai LC270, LC25 được Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn xếp vào bộ lúa giống quốc gia. Không những vậy, họ còn nhân giống cá chép, cá bỗng, trái lê tai nung, mận Lào Cai, đào Pháp; bằng công nghệ nuôi cấy mô sản xuất giống dâu tây, khoai tây, hoa đồng tiền, hoa hồng,…cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Lĩnh vực lâm nghiệp, hàng năm đều triển khai trồng rừng mới, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng, tập trung bảo vệ rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn. Tỷ lệ che phủ rừng của Lào Cai tăng 18,2%(1991) lên 53,6%(2016), đóng góp đáng kể cho ngân sách và tạo cân bằng môi trường sinh thái.

Ngành chăn nuôi đã hình thành mô hình trang trại lớn, đầu tư khoa học kỹ thuật, áp dụng mô hình sản xuất con giống, thức ăn, chuồng trại, quản lý, theo tiêu chuẩn VietGap. Tuy nhiên chăn nuôi hộ gia đình vẫn chiếm đa số, mùa đông trâu bò hay bị chết rét gây tổn thất cho bà con nông dân.

Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt trung bình 6%/năm; giá trị bình quân đất canh tác đạt 80 triệu vnd/1ha, giá trị sản phẩm nông nghiệp áp dụng công nghệ cao trên diện tích đất 1ha phải đạt 260 triệu vnd; độ che phủ rừng cả tỉnh đạt 56%; tổng sản lượng lương thực đạt 330.000 tấn,…

Để thực hiện đạt và vượt mục tiêu trên các cấp, ban, ngành cần nỗ lực nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn cho nông nghiệp, mời gọi doanh nghiệp đến đầu tư; quảng bá sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Lào Cai ở hội chợ trong và ngoài nước; thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, đưa kỹ sư giỏi về địa phương hỗ trợ bà con nông dân,…

Video: Lào Cai tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghệ cao