Tuyên Quang -Nâng Cao Giá Trị Sản Phẩm Chè

Tuyên Quang có khoảng 9.000 ha chè, là một trong những tỉnh có diện tích trồng chè lớn nhất vùng Đông Bắc. Cây chè được người dân trồng trên đất Tuyên Quang hơn 60 năm nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao, năng suất đồi chè còn chưa tương xứng với tiềm năng, công sức và lợi thế mà thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng.

Diện tích nhiều, năng suất thấp

Theo báo cáo từ Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, cả tỉnh hiện có hơn 8.861 ha chè với 8.432 ha đang cho thu hoạch. Cụ thể, huyện Sơn Dương có 1.567 ha, huyện Yên Sơn có 2.937 ha, huyện Na Hang 1.366 ha, huyện Hàm Yên 2.137 ha, còn lại phân bố ở một số huyện khác gần 500 ha.
Số liệu năm 2016 cho biết, năng suất chè trung bình tỉnh Tuyên Quang đạt 78 tạ/ha, năng suất trung bình chung cả nước là 88 tạ/ha. Một số địa phương chè đạt năng suất thấp do trồng chè tự phát, chăm sóc theo kinh nghiệm, không ứng dụng giống mới cũng như tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác và chưa triển khai thâm canh chè.
Những vùng có năng suất cao là do hộ trồng chè nhận khoán chăm sóc vườn chè doanh nghiệp và bà con các xã gần đồi chè công ty nên được chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh chè. Phải kể đến là Yên Sơn có hai doanh nghiệp là công ty chè Sông Lô, công ty chè Mỹ Lâm; huyện Sơn Dương có công ty chè Tân Trào. Đây đều là những nông trường trồng chè quốc doanh trước kia, giờ được chuyển thành công ty chuyên trồng, chế biến, kinh doanh chè chất lượng cao đã có thương hiệu ở trong và ngoài nước.
Diện tích chè đặc sản như giống chè Đại Bạch Trà, Ngọc Thúy, Bạch Hạc, Phúc Vân Tiên,… chiếm 20% diện tích; chè có năng suất cao, chất lượng chè tốt, thích hợp thâm canh, ít sâu bệnh như giống chè PH8, LDP1, LDP2,… chiếm 30% diện tích; chè Trung du có năng suất thấp, búp nhỏ, lá mỏng, thời gian trồng đến khi thu hoạch lâu, dễ bị thoái hóa giống, chiếm khoảng 50% diện tích chè toàn tỉnh. Tổng sản lượng chè tươi thu hoạch năm 2016 đạt 65.684 tấn, tăng 3.500 tấn so với cùng kỳ năm 2014.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 45 công ty, hợp tác xã và cơ sở chế biến chè với công suất chế biến 16.850 tấn/năm. Chè nguyên liệu chỉ mới đáp ứng 40% công suất chế biến của các cơ sở sản xuất chè thành phần ở Tuyên Quang. Nhiều cơ sở có thiết bị máy móc, qui trình chế biến chè, thị trường tiêu thụ khác nhau dẫn đến chất lượng chè thành phẩm và giá thành chênh lệch cao. Ví dụ, chè Bát Tiên Mỹ Bằng có giá từ 350-500 triệu vnd/tấn, nhóm sản phẩm chè có thương hiệu tiêu thu nội địa có giá 100-120 triệu vnd/tấn, nhóm sản phẩm chè thô xuất khẩu có giá 20-43 triệu vnd/tấn,…


Nâng cao giá trị sản phẩm

Nhìn vào tình hình chung ngành chè tỉnh nhà, ta thấy còn nhiều bất cập khi chưa khai thác triệt để lợi thế đất đai, khí hậu, nguồn lực,thị trường,…
Nguyên nhân làm năng suất chè thấp, chất lượng chưa đảm bảo vì người dân sử dụng giống chè thoái hóa, mật độ gốc chè thưa, chăm sóc thâm canh chưa đúng qui trình, trồng chè ở nơi có độ dốc quá cao. Các công ty, cơ sở tự sản xuất chế biến chè thành phẩm chủ yếu là chè xanh truyền thống theo qui trình làm héo, đập dập, lên men, sấy tươi, định hình, sấy khô. Hiện chưa xây dựng đồng bộ qui trình từ chọn giống chè, trồng chè, thu hái, chế biến, qui định an toàn vệ sinh thực phẩm và đánh giá chất lượng sản phẩm chè nên diễn ra tình trạng “mạnh ai nấy làm”.
Để phát triển ngành chè, tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như đưa cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xuống từng xã để hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân, thay đổi giống chè chất lượng cao, áp dụng tiêu chuẩn VietGap cho vùng trồng chè nguyên liệu, hỗ trợ vay vốn sản xuất cho hộ trồng chè, tăng cường quảng bá đặc sản chè Tuyên Quang ở hội chợ trong và ngoài nước, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang phối hợp cùng Sở công thương tỉnh tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm chè,…Với mục tiêu nâng cao mức thu nhập cho người dân, giải quyết công ăn việc làm, đưa ngành chè trở thành ngành mũi nhọn và có đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh nhà.