Chợ phiên vùng cao Tả Sìn Thàng
Chợ Tả Sìn Thàng được hình thành từ thời Pháp thuộc, lệ cứ 6 ngày là họp chợ một lần. Từ tờ mờ sáng khi sương còn giăng mờ lối đi đã nghe xa xa tiếng chân người, tiếng đàn môi, tiếng sáo, tiếng xe máy, tiếng chân ngựa, tiếng cười, tiếng nói. Hình ảnh những chàng trai, cô gái người Mông khoác trên mình váy áo đủ màu sắc đem hàng hóa, sản vật ra chợ để trao đổi, mua bán đã để lại ấn tượng sâu sắc đến khách tham quan.
Phiên chợ ít ồn ào, không vội vã; người mua-người bán vui vẻ không hề có sự bon chen, tranh cãi giá cả như chợ người Việt. Hình ảnh mộc mạc, chân thật, ít mánh khóe trong thói quen mua bán của người dân xứ này. Nếu tìm được món hàng nào ưng ý họ xem kỹ rồi mới hỏi giá cả, nếu giá cao hơn túi tiền họ có, họ chỉ trả thấp hơn một chút; nếu chất lượng món đồ làm họ hài lòng thì họ mua ngay không cần mặc cả.
Hàng hóa bày bán ở chợ chủ yếu là sản phẩm nông cụ (lưỡi cày, cuốc, dao, liềm,…), rau quả tự trồng (rau cải, hành lá, chuối, bắp chuối rừng,…), gà, lợn, chó, váy áo, tơ sợi, mật ong, rượu, … Đi chợ không chỉ mua bán, trao đổi hàng hóa mà đi chợ còn để gặp người thân, tìm bạn đời hay để uống ly rượu với bạn lâu ngày không gặp.
Bình thường chợ nhộn nhịp vào tầm 8-9 giờ sáng và đông nhất khoảng 12 giờ trưa. Những cô gái người Mông mặc chiếc váy xòe sặc sỡ, chiếc khăn ngũ sắc của người Dao, chiếc áo màu xanh lá của người Xạ Phạng,…Chợ Tả Sìn Thàng ngoài việc thông tương hàng hóa còn là nơi gặp nhau, giao lưu văn hóa, chốn hò hẹn của bao đôi trai gái người Mông. Bằng tiếng khèn, tiếng kèn môi, tiếng tiêu vang vọng khắp núi rừng thay lời nói làm quen, tỏ tình của chàng trai si tình, cô gái xinh đẹp; bằng chén trà Shan Tuyết thoảng hương, chén rượu Mông Pê ủ men lá rừng đã có nhiều người nên duyên vợ chồng.
Từ 14-15 giờ chiều là giờ chợ tan, người thưa dần đi và hẹn nhau đến phiên chợ lần sau sẽ gặp. Chợ Tả Sìn Thàng cách 6 ngày họp một lần và lần lượt lùi ngày dần. Ví dụ, hôm nay chợ họp thứ 5 thì phiên chợ tuần sau sẽ họp ngày thứ 4, cứ thế lui dần dần.
Hãy ghé thăm chợ phiên Tả Sìn Thàng để trải nghiệm cảnh vật, con người, văn hóa người dân vùng cao Tây Bắc.
Hồ Pa Khoang
Hồ Pa Khoang tọa lạc tại xã Mường Phăng, TP- Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Hồ nước có tổng diện tích qui hoạch hơn 2.400 ha, với 600 ha mặt nước, 1.320 ha rừng, 150 ha đất xây dựng công trình, 300 ha đất nông nghiệp, lượng nước trữ trong hồ trên 37 triệu m³. Quần thể hồ Pa Khoang có hệ động thực vật phong phú, địa hình đa dạng. Bao bọc hồ là nhiều ngọn núi, lòng hồ có những đảo nhỏ, mặt hồ xanh biếc, không khí trong lành, thời tiết mát mẻ, phong cảnh hùng vĩ.
Ban quản lý khu du lịch hồ Pa Khoang trồng rừng, trồng hoa anh đào, hoa mimosa, hoa uất kim hương, hoa tulip ở một vài đảo nhỏ trong hồ,…Hồ có tác dụng cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 4.000 ha lúa cánh đồng Mường Thanh, điều hòa không khí, hạn chế lũ lụt. Thăm hồ Pa Khoang để được hòa mình vào khí trời dịu mát, không gian tĩnh lặng, cảm nhận cơn gió khẽ lướt qua từng kẽ lá làm tâm hồn ta lặng đọng, thời gian ngừng trôi,…
Thưởng thức món ăn mang hương vị núi rừng được chế biến từ cá, tôm đánh bắt trong hồ, ăn món cơm lam đượm hương nếp mới, thịt heo hun khói, nhấp ché rượu cay nồng, xiên cá nướng, thịt dê nướng, …;giao lưu văn nghệ buổi tối với điệu xòe, điệu khèn, nắm tay nhau múa hát bên đống lửa bập bùng giữa đại ngàn gió lộng. Bạn có thể ngủ lại ở nhà nghỉ trong vùng hay xin ngủ nhờ nhà dân bản làng gần đó.
Đến Điện Biên anh hùng nơi đã từng thấm đẫm máu và nước mắt của lớp lớp người con ưu tú để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ ‘lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu’. Người Điện Biên chân chất, hiền hòa, mến khách,…Và tôi nhủ lòng sẽ quay lại nơi này nhiều lần nữa.
Video: Chợ Phiên Tả Sìn Thàng (Tủa Chùa)