Bánh vắt vai
Bánh vắt vai là món ăn truyền thống của người dân tộc Cao Lan (còn gọi là người Sán Chỉ, Hờn Bận,… ) sống ở tỉnh Bắc Giang. Bánh có tên lạ như vậy là bởi xuất phát từ việc bánh có thể vắt trên vai khi đi đường và có thể ăn lúc nào cũng được. Loại bánh vắt vai thường được làm vào dịp tết, lễ hội nên các bà, các mẹ truyền dạy bí quyết làm bánh cho thiếu nữ Cao Lan từ thuở nhỏ.
Để làm được bánh vắt vai cần có nguyên liệu đậu xanh bỏ vỏ, lá ngải cứu, lá chuối xanh non, gạo nếp cái hoa vàng trồng ở vùng Phì Điền(thuộc huyện Lục Ngạn), nước vôi.
Cho lá ngải cứu vào nước vôi, luộc cho lá ngải cứu bớt vị đắng, vị chát rồi vớt ngải cứu ra xay nhỏ. Gạo nếp cho vào cối đá xay thành bột mịn. Tiếp đó, ta trộn lá ngải cứu đã xay nhỏ và bột gạo nếp để làm vỏ bánh. Phần nhân bánh, ta cho đậu xanh vào nồi, cho ít nước lọc vào và đun đến khi đậu xanh mềm, vớt đậu xanh ra đem giã cho nhuyễn rồi trộn với đường xào lên và nặn thành viên bi tròn để làm nhân bánh.
Để bánh có mùi thơm, phải dùng lá chuối non còn tươi, hơ lá chuối qua bếp than hồng sau đó mới gói. Lấy vỏ bánh đã chuẩn bị sẵn, cho viên đâu xanh vào giữa bánh và nặn thành hình tròn, bánh được đặt ở hai đầu lá chuối, để có thể gấp lại và vắt trên vai. Bánh cho vào nồi nước nguội, đun khoảng 2 giờ là vớt ra, bánh ăn phải có mùi ngái của lá ngải cứu, vị dẻo của nếp, vị bùi ngọt của đậu xanh. Bạn đến Lục Ngạn vào dịp tết, mùa lễ hội tháng 3 âm lịch sẽ dễ dàng tìm mua bánh ở phiên chợ quê hoặc được người Cao Lan mời thưởng thức khi ghé thăm nhà họ.
Bánh đúc Đồng Quan
Làng Đồng Quan (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) cũng như bao ngôi làng miền Bắc khác cũng có ‘cây đa, giếng nước, mái đình’, có những người nông dân hiền lành, sống êm đềm bên ruộng lúa, nương khoai. Nhắc đến làng Đồng Quan làm người ta liên tưởng đến món bánh đúc Đồng Quan nức tiếng xa gần.
Bánh đúc chế biến từ loại gạo tẻ ngon, gạo ngâm vo sạch rồi ngâm trong ba ngày đêm, hàng ngày thay nước một lần, đến khi bóp hạt gạo trên đầu ngón tay thấy dẻo dẻo mới đem cho vào cối đá xay nhuyễn.
Đem vôi cục nướng lên, hòa vôi vào nước sạch rồi gạn lấy nước trong, đem nước vôi trộn vào gạo đã xay nhuyễn, khuấy hỗn hợp này lên để nấu bánh đúc. Các cụ cao niên có nhiều năm làm bánh đúc cho biết: khâu nấu và khuấy bánh là khâu quan trọng nhất, điều này phụ thuộc vào kỹ thuật và kinh nghiệm của từng người.
Đầu tiên chuẩn bị một cái nồi, cho ít dầu ăn tráng đều, rồi cho bột vào, bắc lên bếp, điều chỉnh lửa vừa phải, dùng đũa cả khuấy liên tục để bột không bị khê, không bị vón cục. Đến khi nồi bánh vừa chín tới thì tắt bếp, cho lạc rang đã bỏ vỏ, cho thêm dừa thái sợi vào, đậy nắp nồi lại, một lúc sau lại dùng đũa cả khuấy bột một lần nữa. Đổ nồi bánh nóng ra cái mẹt đã được trải lá chuối non ta sẽ được tấm bánh to tròn, nếu mình làm bột ít thì đổ ra bát sẽ được bánh nhỏ hơn.
Tấm bánh đúc Đồng Quan to tròn, trắng tinh, lấm tấm hạt lạc, dừa sợi nhìn rất là bắt mắt. Cầm miếng bánh đúc mà không thấy dính tay, chấm miếng bánh với tương bần rồi cho vào miệng cảm nhận được vị dẻo của gạo tẻ, mùi nồng của vôi, vị béo béo của lạc của dừa sợi sẽ làm cho thực khách không thể nào quên món ăn dân dã này.
Chè kho Mỹ Độ
Làng Mỹ Độ là ngôi làng nhỏ nằm cạnh dòng sông Thương hiền hòa, thuộc thành phố Bắc Giang. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, người dân nơi này vẫn giữ được món ăn truyền thống cha ông để lại, đó là món chè kho Mỹ Độ.
Nguyên liệu nấu chè là đậu xanh, đậu xanh hạt phải chắc, mẩy, đồng đều; ngâm đậu xanh trong nước khoảng ba giờ. Tiếp đó đãi đậu xanh lọc bỏ vỏ, rồi cho đậu xanh vào nồi, cho nước sạch ngập khoảng 1 đốt ngón tay thì bắt đầu nổi lửa. Khi nấu chè phải dùng củi, do củi giữ nhiệt lâu, dễ điều chỉnh lửa; công đoạn này rất quan trọng vì lửa lớn quá làm cháy đậu ở đáy nồi, lửa bé quá làm đậu xanh bị sượng, đậu chín không đều coi như hỏng.
Khi đậu nổi bọt lên, ta dùng vá vớt hết bọt, ninh nhừ đến khi cạn, rút củi, giảm lửa, chuyển nồi sang bếp than hồng cho đậu chín đều. Khi thấy đậu đã nhuyễn là ta cho đường trắng vào, cứ 1kg đậu xanh thì cho 1,3 kg đường trắng, nếu cho đường ít chè sẽ không sánh, dễ vỡ khi đổ ra khuôn.
Sau khi cho đường trắng vào chè dễ bị cháy ở đáy nồi nên chỉnh lửa nhỏ liu riu, dùng đũa cả khuấy chè liên tục, đều tay, khi nào chè sánh như mật thì cho vani vào và bắc nồi chè xuống bếp.
Múc chè còn nóng cho ra đĩa, vừa đổ chè vừa xoay đĩa để chè thành khuôn hình phẳng tròn đều, rồi rắc hạt vừng đã rang chín, bỏ vỏ lên đĩa mặt đĩa chè đậu xanh.
Đêm trăng thanh, gió mát ngồi thưởng thức đĩa Chè kho Mỹ Độ cảm nhận vị ngọt thanh của đường, vị bùi của đậu xanh, đâu đó thoang thoảng hương sen, tiếng kẽo kẹt mấy khóm tre già sau vườn mới thấy hết cái hay thú vui điền viên.