Ninh Bình Chú Trọng Phát Triển Kinh Tế Gắn Kết Bảo Vệ Môi Trường

Trong những năm qua, Ninh Bình thực hiện nhiều giải pháp như ban hành cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, xúc tiến đầu tư đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư trong các khu công nghiệp của tỉnh. Tỉnh Ninh Bình,TP-Đà Nẵng, TP-Cần Thơ  là một trong ba tỉnh, thành phố của cả nước được Bộ kế hoạch và đầu tư, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) chọn tham gia dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam”.

Giám đốc Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình, ông Hoàng Đức Long phát biểu: “Mười năm trở lại đây, Ninh Bình chú trọng phát triển công nghiệp, xem việc hình thành các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là động lực đưa phát triển kinh tế địa phương, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách.”

Hiện nay, toàn tỉnh có 7 khu công nghiệp là Tam Điệp 1, Gián Khẩu, Tam Điệp 2, Khánh Phú, Phúc Sơn, Khánh Cư, Kim Sơn.

Khu công nghiệp Tam Điệp 1 có diện tích 64 ha, tọa lạc trên địa phận xã Quang Sơn (TP-Tam Điệp) thu hút 16 dự án đầu tư, đã có 12 dự án hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm cho hơn 14.000 lao động địa phương và vùng lân cận.

Khu công nghiệp Gián Khẩu có tổng diện tích qui hoạch 262 ha, nằm trên địa phận ba xã Gia Trấn, Gia Tân, Gia Xuân thuộc huyện Gia Viễn; hiện có 28 dự án đăng ký đầu tư, có 14 dự án đã đi vào sản xuất-kinh doanh, thu hút trên 7.000 lao động.

Khu công nghiệp Khánh Phú được thành lập năm 2004, có diện tích qui hoạch 351 ha, tỉnh đã cấp phép đầu tư cho 39 dự án, có 14 doanh nghiệp đi vào hoạt động, tạo công ăn việc làm trên 7.000 lao động.

Khu công nghiệp Phúc Sơn có diện tích mặt bằng 142 ha, nằm trên địa bàn TP-Ninh Bình, thu hút 14 dự án đầu tư, có 2 dự án chính thức hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 3.500 lao động.

Theo số liệu từ Sở Công Thương, năm 2015 bốn khu công nghiệp (Tam Điệp 1, Gián Khẩu, Khánh Phú, Phúc Sơn) nộp ngân sách tỉnh gần 2.000 tỷ vnd; năm 2016 đóng góp 3.000 tỷ vnd cho ngân sách tỉnh nhà.

Tổng số dự án đăng ký đầu tư  được tỉnh Ninh Bình cấp phép là 101 dự án, đã có 54 dự án đi vào sản xuất, giải quyết việc làm trên 30.000 lao động.

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trọng điểm các cấp lãnh đạo thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường trong và ngoài khu công nghiệp đảm bảo môi trường nước, không khí, đất luôn nằm trong giới hạn cho phép của pháp luật. Những dự án trước khi được cấp giấy phép đều được thẩm định, đánh giá tác động môi trường, tỉnh Ninh Bình kiên quyết khước từ dự án có công nghệ lạc hậu có thể gây tác động xấu cho môi trường.  Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp cùng Sở tài nguyên và môi trường, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, các cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường tổ chức nhiều đoàn công tác đến thanh tra, kiểm tra hoạt động xử lý chất thải các doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra vi phạm môi trường trong  khu công nghiệp. Tuy nhiên, một số cơ sở sản xuất đã gây ô nhiễm môi trường nước, không khí vượt quá qui chuẩn nên Ban quản lý các khu công nghiệp tiến hành kiểm tra xử phạt những đơn vị vi phạm và yêu cầu doanh nghiệp phải sớm khắc phục không để tái diễn tình trạng trên.

Để phát triển nền kinh tế xanh khi mời gọi đầu tư thì việc triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái được xem là lựa chọn đúng đắn nhất nhằm giải thiểu sự cố môi trường, tiết kiệm năng lượng vì mục tiêu phát triển bền vững. Thực hiện khảo sát bởi UNIDO, Bộ Kế hoạch và đầu tư quyết định chọn 5 doanh nghiệp thuộc khu công nghiệp Khánh Phú tham gia dự án. Đồng hành cùng dự án, tỉnh ủy Ninh Bình cam kết đồng tài trợ hơn 220 tỷ vnd để lắp đặt hệ thống chiếu sáng, trồng cây xanh tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp ở khu công nghiệp Khánh Phú.

Đây là cơ hội để Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình, các doanh nghiệp được chuyển giao công nghệ, học hỏi mô hình quản lý tiên tiến, đổi mới công nghệ theo hướng tăng sản lượng, tăng chất lượng sản phẩm nhưng vẫn đảm bảo an toàn môi trường. Thêm đó, dự án cung cấp các khóa đào tạo chuyên sâu cho cán bộ chuyên trách Sở tài nguyên và môi trường, Sở công thương, Sở kế hoạch đầu tư, Ban quản lý các khu công nghiệp được tiếp cận kiến thức xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái từ chuyên gia trong và ngoài nước giảng dạy. Dự án được triển khai từ năm 2014-nay đã có 10 doanh nghiệp tham gia và gặt hái được nhiều thành quả đáng phấn khởi. Vì vậy trong thời gian tới mô hình “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững” cần được nhân rộng ở tất cả khu công nghiệp nhằm thay đổi nhận thức doanh nghiệp, nâng cao năng lực đội ngũ hoạch định chính sách và thực hiện thành công “Phát triển khu công nghiệp xanh, bền vững, hiệu quả”.